Định mệnh đã cho tôi gặp em trong một hoàn cảnh khá tế nhị: tôi là một giáo sinh thực tập, còn em là học sinh của lớp tôi chủ nhiệm. Tôi ngày ấy đang ở những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời một sinh viên đại học. Còn em vừa bước chân vào ngưỡng cửa trung học cấp ba. Trong khi tôi nồng nhiệt và say sưa trong vùng trời mộng mơ của tuổi trẻ thì em lại hồn nhiên và thánh thiện như một nụ hồng tinh sương.
Tôi đến cái thị trấn phố huyện nhỏ ấy, nơi có ngôi trường em toạ lạc, vào một buổi chiều nhạt nắng. Thoáng chút ngỡ ngàng với phố thị mình chưa lần nào đến và cả với chút chức danh mình sắp được mặc nhiên khoác vào. Trước mặt nơi tôi ở là một dòng sông rất lớn và mênh mông, nhưng mặt nước phẳng lặng và bình yên như lòng tôi những ngày đầu mới đến. Gió bốc lên từ dòng sông thật mát. Đường tôi đến trường hàng ngày phải đi qua một chiếc cầu không lớn lắm và một nhà thờ giáo xứ nhỏ của phố huyện. Dưới cầu luôn có những đám lục bình trôi lặng lẽ và êm đềm như nhịp sống nơi phố thị của em. Và dù là người ngoại đạo, đôi lần tôi cũng tạt ngang vào nhà thờ bên ven đường để tham gia hành lễ. Âu đó cũng là một cách hội nhập, tôi đã thầm nghĩ như vậy.
Không biết tự bao giờ mà cái lớp học với gần năm mươi học sinh ấy lại trở nên quá đỗi thân thương và quen thuộc với tôi đến thế. Và cả em, cả em nữa. Mà không, đúng hơn phải nói là: nhất là em! Không biết vô tình hay hữu ý mà em đã luôn ở bên tôi mọi lúc, mọi nơi: nơi sân trừơng, ngoài phố huyện, những chuyến đến nhà thăm các bạn hay những chuyến lao động xa. Chỉ cần đảo mắt nhìn quanh thôi là tôi có thể bắt gặp được hình ảnh em đang làm một điều gì đó: nói chuyện, cười giỡn với bạn bè hay đang một mình trầm tư, suy nghĩ. Đôi lần nhìn dáng em suy tư, lòng tôi bâng khuâng tự hỏi em có gì vướng bận nhỉ ở lứa tuổi học trò trắng trong như trang giấy mới.
Nhưng dẫu có làm gì đi nữa thì thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp ánh mắt em nhìn về phía tôi ân cần, trìu mến. Những lúc như thế, tôi nhìn trả lại em và mĩm cười. Cứ như thế, với tôi, em ngày mỗi gần hơn. Ngày dẫn cả lớp đi làm thuỷ lợi ở một xã kế bên, nhìn cảnh em hồn nhiên đùa giỡn với bạn bè trong một không gian đầy sình lầy, nước đọng; lòng tôi chợt nhói lên một mong ước viển vông: tôi ước chi mình có thể trở lại lứa tuổi như em để được đùa giỡn cùng em, để không còn nữa cái khoảng cách xa xôi, mơ hồ đang hiện hữu. Nghỉ giải lao giữa buổi lao động, tôi ngồi đó trên một mõm đất cao mà nghe thấy cái khoảng cách vô hình đó đang cồn cào xâu xé lòng mình như mảnh ruộng khô cằn dưới kia đang chịu đựng những cú cuốc xẻng vô tình, xắn lên nó chi chít những đường ngang mũi dọc.
Có phải là tình yêu ?
Em bao giờ cũng nhẹ nhàng, lễ phép, khiêm cung như một thiên thần nhỏ. Em thường không nói nhiều, em chỉ cười thôi. Ánh mắt em dẫu vẫn còn sắc nét ngây thơ lắm nhưng tôi lại nhìn thấy trong đó cả một bầu trời mà tôi tha thiết muốn được làm cánh én báo xuân. Em dành cho tôi một sự quan tâm rất lạ: vừa gần gũi, thân quen, vừa xa xăm, hư ảo. Em băn khoăn và nhẹ nhàng tra hỏi tôi mỗi khi thấy tôi ít cười, biếng nói. Em hồi hộp, mỏi mắt ngóng chờ tôi mỗi khi đến giờ giảng rồi mà tôi vẫn chưa kịp vào lớp. Nhưng khi tôi xuất hiện rồi, khi tôi cười nói cùng em, em lại trông xa vời, huyền bí. Tâm thế em dường như đã lạc vào một vùng trời hoa niên nào đó mà ở đó tôi có cảm giác mình đã quá tuổi để bước vào.
Vào một ngày nọ, cận thời điểm đợt thực tập sắp kết thúc, em đến tìm tôi, dáng e dè và khép nép. Tôi thấy ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên em đến một mình. Mãi cho đến khi căn phòng tập thể không còn ai, em mới bẽn lẽn cất tiếng nói:
- Thầy ơi, mai thứ Bảy em về nhà. Tối Chủ Nhật em mới qua, nên cuối tuần này em không đi Quán Gió với thầy và các bạn được.
Thực ra, em chỉ trọ học ở nhà chú em ở phố huyện, còn nhà em thì ở một xã cù lao kế bên nên cứ mỗi tháng em lại phải về thăm một lần. Thấy gương mặt em có vẻ u buồn quá, tôi cất giọng an ủi:
- Em cứ về đi rồi tuần tới em đi với thầy và các bạn cũng được mà, có gì đâu.
- Nhưng mà sao em thấy buồn và nhớ ở đây quá thầy à! Vả lại, chỉ còn hai tuần nữa là thầy đi rồi, phải không thầy?
- Đúng rồi em, chỉ còn hai tuần thôi thầy phải về học tiếp, rồi chuẩn bị thi tốt nghiệp.
- Mấy hôm nay mấy đứa nó cứ bàn tán vụ này hoài đó thầy. Tụi nó nói, mai mốt thầy đi rồi, chắc buồn lắm. Mới hơn một tháng thôi mà thầy trò mình có biết bao nhiêu kỷ niệm, phải không thầy?
Lời nói của em thật hồn nhiên mà sao như xát muối vào lòng tôi. Thấy tôi thẩn thờ không nói, em cất tiếng hỏi:
- Thầy sao vậy thầy?
Tôi giật mình chợt tỉnh:
- Thầy không sao. Nghĩ đến ngày phải rời khỏi nơi đây thầy thấy buồn chút vậy thôi. Mà mai này xa rồi, em có nhớ thầy không?
Mắt em như có thoáng mây buồn lướt qua khi nghe câu hỏi ấy. Giọng em trả lời thật nhỏ:
- Nhớ chớ sao không thầy. À mà thầy ơi, em muốn nói thầy nghe cái này mà thầy phải hứa là không nói với ai hết nghe.
Nghe giọng hồn nhiên của em mà tôi suýt bật cười:
- Rồi, thầy hứa. Em nói đi.
Em quay mặt về phía tôi nhưng mắt lại cúi xuống trong khi miệng ấp úng nói:
- Thầy ơi, trong em hay gọi mãi tên thầy đó thầy.
Vừa chỉ kịp nói xong, em đã vội quay lưng bỏ chạy ra về, bỏ lại tôi trong tâm trạng vừa xuyến xao, vừa ngỡ ngàng.
Lần em về thăm nhà đó, dẫu chỉ ngắn ngủi trong hai ngày cuối tuần thôi mà lòng tôi sao cứ thương nhớ mông lung, hình dung hoài cái cảnh em đang hạnh phúc bên những người thân yêu của mình và tự hỏi không biết em có thấy vương vấn một chút gì đó với phố huyện không. Ngày em trở lại, tôi thấy lòng mình thật vui dù cố hết sức để không biểu lộ điều đó. Dường như chỉ cần được nhìn em, được nghe em nói là tôi đã thấy cuộc đời này tươi đẹp biết bao. Chỉ cần có em kề bên thôi là tôi đã cảm thấy quá đủ và chẳng cầu mong điều gì hơn thế nữa. Dẫu rằng, có đôi lúc ngay chính những lúc có em kề bên, tôi lại thấy em xa xôi hơn bao giờ hết, tôi lại thấy mơ hồ nhung nhớ em.
Cái ngày biệt ly cuối cùng rồi cũng đến. Không gian chợt như lắng đọng. Có một cái gì đó rơi vỡ nát tan. Phố thị xa lạ ngày nào tôi đến giờ sao thân quen như đã ở nghìn năm. Phố khóc giây phút tôi cất bước rời xa trên một chuyến xe lam nhỏ. Dòng sông lững lờ với những khóm lục bình trôi dường như không buồn chảy nữa. Tiếng chuông nhà thờ ngân vang dìu dặt những nhịp rung báo tử. Nhìn em đứng đó tiễn đưa tôi, cùng các em học sinh khác, với ánh mắt u hoài ướm đỏ, tôi cảm nhận đớn đau rằng mình sắp đánh mất một cái gì đó rất thân thương trong đời mà có thể sẽ chẳng bao giờ còn có thể tìm lại được. Trước khi bước lên chuyến xe lam để về lại Tây Đô, tôi đến bên các em nói lời từ giã lần cuối. Rồi bước đến bên em, chạm nhẹ vào vai em, tôi nói nhỏ chỉ để riêng em nghe:
- Thầy đi nghe em.
Giọng em nghẹn ngào:
- Thầy hứa về thăm em, về thăm các em nghe thầy.
Giọng em nói da diết quá khiến tôi chỉ kịp thốt lên hai tiếng “Thầy hứa” một cách vội vàng rồi quay lưng ngay, sợ rằng mình sẽ không cầm lòng được.
Sau lần chia tay đó, nỗi nhớ về em bao lần làm tôi vật vã trong miền nhớ lặng câm, nơi đó em hiện về trắng trong và mỏng manh như sương khói. Cũng đã bao lần sau đó, tôi rơi vào cơn hôn trầm của tâm thức khi lý trí và trái tim không cùng chung tiếng nói. Trái tim tôi thôi thúc tôi từng ngày, từng giờ hãy cất bước lên chiếc xe lam bé nhỏ, nó sẽ đưa tôi về tìm gặp em, nơi đó có lẽ em cũng đang mỏi mắt chờ trông. Nhưng lý trí lại lên tiếng nói dõng dạc: hãy để em yên với lứa tuổi ngây thơ, hãy biết điểm dừng cho những lằn ranh giới mỏng manh.
Thực ra, tôi đã dối người, dối lòng khi nói rằng tôi đã chẳng bao giờ trở về phố huyện ấy để tìm gặp em nữa. Ngay sau khi vừa thi tốt nghiệp xong, tôi đã nhanh chân ra trạm xe lam để về lại chốn cũ tìm em. Đó là một buổi chiều trời đã nhạt nắng. Chỉ mới hai tháng trôi qua thôi mà tôi tưởng chừng như đã lâu lắm, có cảm giác tựa hồ như mình vừa trải qua… một cơn mê. Chiếc xe lam như hiểu lòng tôi đang nôn nóng nên lao hết tốc độ trên đường trường. Chiều buông nhẹ những giọt nắng cuối ngày, lẫn khuất trong bóng hoàng hôn chập choạng.
Khi tôi đến nơi thì trời đã nhá nhem tối. Ánh trăng rằm đã thấp thoáng phía trời xa trông như một gương mặt đang mĩm cười. Mà không, có lẽ là lòng tôi đang rộn rã nên nghĩ vậy thôi! Phía trước mặt tôi là con đường quen thuộc dẫn vào phố chợ. Gần phố chợ, phía bên tay trái là một quán cà phê có tên là Quán Gió mà trước đây tôi vẫn ghé ngang, đôi khi một mình, nhưng thường là với các em học sinh thân của tôi. Cái tên quán thật lạ và lãng mạn! Có lẽ nó có tên là Quán Gió vì gió thổi luồn qua mọi ngõ ngách của quán vốn trống trước, hụt sau. Mà gió không thổi nhiều sao được khi mà quán được cất trên một hồ nước mênh mông.
Cô chủ quán, một cô gái có nhan sắc nhưng muộn chồng, khẽ đặt ly cà phê đá xuống bàn tôi ở một bên hông quán, rồi cất tiếng hỏi:
- Anh về thăm mấy đứa học trò phải không?
Tôi ngước mặt lên nhìn chị, không giấu được vẻ ngạc nhiên :
- Chị vẫn còn nhớ tôi à?
Giọng chị bỗng trầm hẳn xuống. Chị trả lời tôi với ánh mắt nhìn xa xăm:
- Tội nghiệp, tụi nhỏ lần nào ghé đây cũng nhắc anh!
Khói từ điếu thuốc đang cháy trên ngón tay tôi chợt theo gió bay vào mắt, làm mắt tôi cay xè. Tôi vội quay mặt đi, giấu đôi mắt ngân ngấn nước. Chị chủ quán tế nhị vội quay gót bước đi với một vẻ mặt như muốn ngầm nói: “Tôi biết mắt anh rớm nước không phải vì khói thuốc đâu!” Ánh mắt đang cúi xuống của tôi chợt bắt gặp những vòng xoắn lăn tăn dang lan nhanh trên mặt hồ phía dưới. Có con cá vừa chồm lên khỏi mặt nước để đớp chút không khí rồi vội lao nhanh trở xuống. Trong lòng tôi cũng đang có những vòng xoắn lăn tăn…
Rời Quán Gió với bao ảnh hình, kỷ niệm thân thương vừa trở về trong ký ức, tôi lần theo con lộ chính để vào phố chợ. Phố chợ về đêm vẫn như ngày nào tôi còn sống nơi đây: những bóng đèn điện vàng ươm, những hàng quán quen thuộc ở hai bên lề đường… Tất cả dường như vẫn như cũ, ngoại trừ tôi thôi. Buồn thay! Tôi không còn là người của phố huyện. Tôi giờ đã trở thành một kẻ xa lạ mất rồi, một kẻ xa lạ vừa bước chân trở về để tìm lại một thoáng dư âm ngày cũ. Rẽ trái, rồi men theo một con đường nhỏ chạy dọc theo bờ sông rộng, tôi đang trên đường tìm đến nhà em, nơi em ở trọ cùng với chú thiếm. Đoạn đường vốn quanh co, khúc khuỷu và gập ghềnh, đêm nay, càng trở nên gập ghềnh nhiều hơn vì trong lòng tôi đang dâng lên một nỗi nhớ… cồn cào.
Cũng đoạn đường này, cách đây hơn hai tháng trước, tôi cùng em và các em học sinh khác đã bao lần đi qua cùng nhau với những tiếng cười giòn tan, náo nhiệt. Giờ không còn em, không còn các em, đoạn đường vốn thân quen như trải dài… vô tận. Chợt nhớ đến câu nói hôm nào em đã nói với tôi mà nỗi nhớ càng dâng cao: “Thầy ơi, trong em hay gọi mãi tên thầy đó thầy”. Hương của khói thuốc đang cháy đỏ trên tay tôi lan tỏa trong không gian một hương sầu diệu vợi. Khói thuốc dường như không muốn bay, cứ lửng lơ, bảng lảng tạo nên một khoảng không gian u buồn, huyễn hoặc chung quanh.
Cuối cùng rồi tôi cũng đến được nơi em ở, một ngôi nhà ván với một gác lửng mà trước đây tôi đã có vài lần ghé qua. Có lần đó, sau một cuộc liên hoan tại trường, tôi bị ép uống đến say quá không thể tự về được nữa. Em đã nhờ chú em đưa tôi về nhà chăm sóc và tôi đã ở lại nhà em đêm ấy. Đêm hôm ấy có lẽ là một trong những đêm hạnh phúc nhất của lòng tôi: tôi thấy em và tôi gần gũi nhau quá, khoảng cách dường như được thu gần lại. Chú và thiếm của em đã chăm sóc tôi hết lòng với cái chân chất và nhiệt thành của những người dân quê vốn mộc mạc và tốt bụng. Tấm lòng và sự hiếu khách của họ đã làm tôi thấy cảm động biết bao!
Đứng trong sân nhà em, ẩn mình sau thân một cây dừa, tôi thấy chú thiếm em đang ngồi nói chuyện với nhau ở chiếc bàn đặt ngay chính giữa ngôi nhà. Giọng chú em sang sảng:
- Bà à, con Hoa nó về nhà rồi có nói chừng nào qua đi học lại không bà?
Có ai đó dường như vừa đấm vào ngực tôi rất mạnh. Thế là, em không còn ở đây để chờ đợi ngày tôi về. Thế là, tôi không gặp được em rồi sao, em ơi!
Giọng thiếm em trả lời, cắt ngang giòng suy nghĩ của tôi:
- Thiệt ra, nó chưa muốn về nhà ông à. Tại nhà nó nhắn nó về gấp có chuyện gì đó. Nó có nói chắc tới nhập học nó mới qua trở lại được.
Tôi loạng choạng rời khỏi gốc cây, nơi tôi đang đứng, trong một cảm giác trống vắng vô bờ. Lòng thoáng chút lo sợ bị bắt gặp trong tình thế hơi có vẻ giống như… một tên trộm này. Thực ra, tôi chỉ định ghé thăm em trong chốc lát thôi, như lời tôi đã hứa với em ngày tiễn biệt, chứ có trộm cắp gì đâu. Ờ! Mà có lẽ có. Tôi đang định trộm … một trái tim… trinh nguyên. Thoáng chút mặc cảm mơ hồ , tôi lầm lũi đi nhanh dọc theo bờ sông để quay về bến xe lam, nằm ở phía trước, cách xa một khoảng đường. Trăng trên trời đã lên tận đỉnh đầu, tỏa xuống một thứ ánh sáng buồn hắt hiu nhuốm u hoài cả một dòng sông rộng…
**********
Ngồi lặng im trong khoảng không gian bé nhỏ, vắng tanh và tối nhạt nhòa của chuyến xe lam cuối cùng trở về lại thành phố, tôi có cảm giác như mình vừa bỏ lại sau lưng một quá khứ … đã xa. Thôi nhé em! Tôi đã tìm về thăm em như lời tôi đã hứa với em rồi đó. Sao em không có ở đó cho ngày tôi về, lòng tôi quá cô lẻ và bơ vơ. Tôi biết, thật ra, cũng chẳng trách em được. Em có muốn thế đâu. Mà xét cho kỹ, như thế này có lẽ lại… hay hơn. Gặp mà chi cho lòng càng vương vấn khó mà rời xa được. Tôi có lẽ không nên làm bận lòng em thêm nữa. Như thế cũng đã đủ rồi! Tôi nên trả em về với vùng trời hoa bướm của riêng em.
Trong tiếng gió rít lê thê bên ngoài khi chiếc xe cố lao đi với một vận tốc nhanh hơn, tôi nghe loáng thoáng tiếng tôi độc thoại với chính mình trong bóng đêm:
“Thôi nhé, vĩnh biệt em, vĩnh biệt tình yêu đầu đời bé nhỏ và thánh thiện của tôi!”
Kể từ ngày ấy, nhiều năm nhiều tháng đã đi qua trong cuộc đời tôi. Có những ngày tháng thăng hoa và dĩ nhiên cũng không thể không có những năm tháng suy trầm. Những xúc cảm mới trong cuộc sống, đôi khi không kém phần mãnh liệt và thiết tha, cũng đã đến với tôi. Nhưng cũng như vạn vật trong trời đất vốn không thể thoát khỏi qui luật tử sinh, chúng đến rồi đi theo những chu kỳ tuần hoàn không mệt mỏi. Chỉ riêng mình em thôi. Chỉ riêng những xúc cảm nồng nàn về em vẫn ở lại. Tôi tự nghĩ có lẽ sự dừng lại ở lằn ranh giới mỏng manh ngày ấy đã đặt nên bệ phóng vinh thăng cho những xúc cảm tinh khôi. Cho tôi không phải ray rứt khi hoài niệm về miền quá khứ có em. Cho hình ảnh em dường như trẻ mãi không già. Trong tôi, em muôn đời xinh tươi và hồn nhiên tuổi mười sáu.
Cũng đã có đôi lần trong những thoáng phút giây bất chợt, tôi bâng khuâng tự hỏi lòng mình rằng những xúc cảm tinh khôi đầu đời ấy có thực sự là những xúc cảm của tình yêu hay chẳng qua chỉ là thoáng bồng bột của những người trẻ tuổi. Một câu hỏi không dễ trả lời. Vì tôi chẳng bao giờ có thể giải mã được mật mã lòng mình. Vì em có lẽ đã quên. Và vì xúc cảm của con người không phải bao giờ cũng có thể định nghĩa, đặt tên một cách dễ dàng. Tuy nhiên, dẫu câu trả lời có là như thế nào đi nữa, có một điều tôi biết rất chắc chắn là trong những năm tháng vừa qua, chưa một lần nào tôi quên em, chưa một lần nào hình ảnh ngây thơ và thánh thiện của em nhoà nhạt trong tôi.
Nếu có kiếp sau, xin em hãy đến với đời tôi một lần nữa, cho dù là cũng ngắn ngủi và mơ hồ khói sương như thế.